Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

PHƯƠNG PHÁP KÊ ĐƠN

PHƯƠNG PHÁP KÊ ĐƠN 
(Dựa theo Quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, ban hành kèm theo Quyết định số 1847/2003/QĐ-BYT ngày 28/5/2003)
1. ĐẠI CƯƠNG :
1.1. Khái niệm về đơn thuốc : Đơn thuốc là một văn bản chuyên môn mang tính chất pháp lý của người thày thuốc, quy định chế độ điều trị, ăn uống, sinh hoạt cho người bệnh và quy định chế độ pha chế, cấp phát, bán thuốc cho cán bộ dược.
1.2. Nhóm thuốc phải kê đơn và bán theo đơn :
+ Thuốc gây nghiện.
+ Thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc.
+ Thuốc độc bảng A, B.
+ Thuốc kháng sinh.
+ Thuốc nội tiết ( trừ thuốc tránh thai )
+ Thuốc tim mạch.
+ Dịch truyền.
1.3. Yêu cầu của một đơn thuốc :
+ Cần phải ghi đầy đủ tất cả các mục trong đơn. Đơn thuốc phải được viết bằng bút mực hoặc bút bi, không được viết bằng bút chì.
+ Cần phải viết rõ ràng, dễ đọc, dễ hiểu. Không được viết tắt hoặc viết công thức hóa học trong đơn.
+ Đơn viết sai phải viết lại đơn khác, không được tẩy xóa hoặc viết đè lên.
+ Đơn thuốc phải được in sẵn phần thủ tục hành chính trong đơn trên giấy tốt để bảo đảm rõ ràng, mạch lạc.
2. THÀNH PHẦN ĐƠN THUỐC :
2.1. Thủ tục hành chính :
2.1.1. Tên và địa chỉ của cơ sở y tế, bệnh viện quản lý đơn thuốc ( kèm theo số điện thoại nếu có ) :
2.1.2. Mẫu số, số thứ tự của đơn thuốc :
2.1.3. Họ và tên bệnh nhân, tuổi, giới tính :
Bệnh nhi ≤ 24 tháng tuổi : cần phải ghi rõ số tháng tuổi và phải ghi thêm tên bố ( hoặc mẹ ) sau tên bệnh nhân.
2.1.4. Địa chỉ người bệnh :
+ Thành phố : số nhà, đường phố, tên thành phố.
+ Nông thôn : thôn ( xóm ), xã, huyện, tỉnh.
2.1.5. Chẩn đoán :
+Chẩn đoán xác định: xơ gan khoảng cửa giai đoạn mất bù.
+ Chẩn đoán sơ bộ : theo dõi loét hành tá tràng.
+ Ghi triệu chứng, hội chứng chính : sốt cao chưa rõ nguyên nhân...
+ Với những bệnh có ảnh hưởng lớn tới tâm lý của bệnh nhân và những người xung quanh thì ghi các ký hiệu của bệnh :
Ví dụ : Ung thư: K ( cancer ); Giang mai: siphylis, e ( ep-si-lon ); Lao : tbc, j...
2.1.6. Ngày tháng kê đơn :2.1.7. Họ và tên, chữ ký của người thày thuốc :
2.2. Phần chuyên môn :
2.2.1. Tên thuốc :
* Phải ghi tên thuốc theo danh pháp quốc tế ( INN, DCI ) với thuốc có một thành phần hoặc tên biệt dược đang lưu hành trên thị trường nếu thuốc có nhiều thành phần. Không được viết tắt, viết công thức hóa học.
+ Thuốc có một thành phần : amoxicilin, cimetidin, omeprazol... + Tên biệt dược nếu thuốc có nhiều thành phần : becozym, homtamin, thalamonal...
* Mỗi tên thuốc phải ghi vào một dòng, chữ cái đầu tiên viết in hoa.
* Nếu trong đơn thuốc có nhiều loại thuốc thì cần ghi theo thứ tự :
- Vị thuốc chính có tác dụng chữa bệnh.
- Thuốc làm tăng tác dụng của thuốc chính.
- Thuốc điều trị triệu chứng ( nếu có ).
- Thuốc bồi dưỡng toàn thân.
2.2.2. Hàm lượng thuốc :
* Hàm lượng thuốc : là lượng thuốc nguyên chất có trong một đơn vị thành phẩm. Trong đơn thuốc, hàm lượng thuốc được ghi ngay bên cạnh tên thuốc trên cùng một dòng.
* Ví dụ :
- Gentamicin 80 mg
- Atropin 0,25 mg.
- Penicilin G 1.000.000 IU
2.2.3. Liều lượng thuốc ( tổng liều ) :
* Là lượng thuốc dùng trong cả đợt điều trị.
* Ví dụ :
- Amoxicilin 0,50 g - 50 viên.- Vitamin C 0,10 g ´ 100 viên.
2.2.4. Cách dùng thuốc :
+ Đường dùng : uống hay tiêm, thụt hậu môn, bôi, đặt hậu môn...
+ Liều lượng thuốc cho một lần dùng và số lần dùng trong ngày.
* Chú ý khi kê đơn thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc thì phải viết thêm số 0 ở phía trước nếu số lượng thuốc chỉ có một con số.
VD: Diazepam 5 mg ´ 05 viên
+ Những chỉ dẫn đặc biệt : ngậm dưới lưỡi; nuốt, không được nhai viên thuốc; uống lúc no; uống trước khi đi ngủ; tiêm bắp sâu; tiêm tĩnh mạch chậm; thử phản ứng trước khi tiêm ...
2.2.5. Lời dặn của thầy thuốc :
* Ví dụ : kê đơn cho bệnh nhân thấp tim ổn định.
Aspirin pH8 0,50 g ´ 50 viên.
Uống mỗi lần 2 viên, ngày 3 lần, sau bữa ăn.
Lời dặn : Đề nghị miễn lao động động nặng một tháng.
3. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHI KÊ ĐƠN :
3.1. Đơn vị :
3.1.1. Trọng lượng :
* Hay dùng : gam. Ví dụ : 0,5 gam viết là 0,5 g hoặc 0,50.
* Đơn vị nhỏ quá : miligam ( mg ), microgam ( mcg, mg )* Chú ý : không viết dạng phân số ( 1/4 mg ) mà viết 0,25 mg.
3.1.2. Thể tích : mililit ( ml ).
* Ví dụ : siro nutroplex ´ 120 ml.
* Nếu số lượng nhiều : thìa cà-phê hoặc thìa canh ( nay ít dùng )
- 1 thìa cà-phê » 5 ml;
- 1 thìa canh » 15 ml.
* Nếu thể tích quá nhỏ thì dùng giọt ( ghi bằng chữ số La Mã hoặc ghi bằng chữ ).
3.2. Trong trường hợp đặc biệt, cần phải kê đơn liều cao hơn liều bình thường, thày thuốc phải viết liều lượng thuốc bằng chữ ( chữ cái đầu tiên viết in hoa ), kèm theo chữ "Tôi cho liều này" và ký tên bên cạnh.
+ Ví dụ : kê đơn cho một bệnh nhân bị nhiễm độc Wofatox :
Atropin 1 mg ´ Năm mươi ống ( Tôi cho liều này )
( Ký tên )
Tiêm tĩnh mạch Hai ống, sau đó cứ 10 ph tiêm nhắc lại Một ống cho tới khi có biểu hiện giãn đồng tử, khô miệng.
* Chú ý : khi sửa chữa đơn thày thuốc cũng phải ký tên xác nhận bên cạnh
3.3. Khi kê đơn cho bệnh nhân cấp cứu, thày thuốc phải ghi thêm chữ "Cấp cứu" và ngày, giờ cấp cứu vào góc trên bên trái của đơn thuốc rồi ký tên bên cạnh.
Cấp cứu 21h00 ngày 10/2/2005
Bác sĩ
( Ký tên )
3.4. Thời gian dùng thuốc : - Không được kê đơn số lượng thuốc dùng quá mười ( 10 ) ngày đối với thuốc hướng tâm thần.
4. PHỤ LỤC :
4.1. Phụ lục 1 ( Ban hành kèm theo Quyết định số 1847/2003/QĐ-BYT ngày 28/5/2003 ) :

* Hướng dẫn phụ lục 1 :+K/thước : 1/2 trang giấy A4 ngang.
+ Giấy trắng, chữ in đen.
+ Mục bác sĩ khám bệnh : ký tên, ghi rõ học vị, họ tên, đóng dấu đơn vị khám bệnh.
+ Đơn được sử dụng để kê đơn thuốc thường, thuốc độc bảng A, B và thuốc hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc.
PHƯƠNG PHÁP KÊ ĐƠN THUỐC ĐỘC VÀ THUỐC GÂY NGHIỆN
1. Đơn thuốc phải ghi theo mẫu quy định :
+ Thuốc độc A, B :dùng mẫu MS : 17D/BV-01
( phụ lục 1 ).
+ Thuốc gây nghiệnphải được kê đơn riêng ( phụ lục 2 : MS : 20D/BV-01 ), một đơn 2 bản để người bệnh giữ 01 bản, nơi bán thuốc lưu 01 bản, cơ sở khám chữa bệnh lưu phần gốc của đơn.
+ Đơn thuốc được đóng thành quyển, mỗi tờ đều có ghi số thứ tự.
2. Nội dung đơn cần tuân theo các quy định sau :+ Với các thuốc độc bảng A và thuốc gây nghiện thì liều lượng thuốc phải viết bằng chữ và chữ cái đầu tiên phải viết in hoa.
+ Liều lượng thuốc độc bảng B phải viết thêm số 0 ở phía trước nếu số lượng thuốc chỉ có một con số.
+ Thời gian dùng thuốc :
- Không được kê đơn thuốc độc A, B quá mười ( 10 ) ngày.
- Các thuốc gây nghiện không được kê đơn quá bảy ( 07 ) ngày. Riêng morphin hydroclorid dạng ống 10 mg/1 ml không quá năm ( 05 ) ngày cho bệnh nhân ung thư sử dụng liều ³ 30 mg/24h.
CÁC DẠNG THUỐC
HAY DÙNG
TRONG LÂM SÀNG
1- PHƯƠNG PHÁP KÊ ĐƠN CÁC DẠNG THUỐC UỐNG :
1.1. Dạng thuốc lỏng :
1.1.1. Dung dịch ( solutiones ) :
Ví dụ hydrosol polyvitamin, camphosol, nikethamid ... Chú ý số giọt phải ghi bằng chữ số La Mã ( XX giọt)( hoặc ghi bằng chữ ) không được ghi bằng chữ số Ả Rập.
1.1.2. Poxio ( potio ):
+ Ví dụ : poxio cồn quế :
- Cồn quế : 4 ml.
- Cồn 90o : 20 ml.
- Sirô đơn : 20 ml.
- Nước cất vừa đủ : 100 ml.
Hòa cồn quế với cồn, thêm sirô, khuấy đều. Thêm nước vừa đủ 100 ml. Trộn đều, đóng chai, dán nhãn "poxio cồn quế ".
1.1.3. Siro ( sirup ):
Ví dụ siro nutroplex lọ 60 - 120 ml, siro ventolin ( salbutamol sulfat ) 40 mg/100 ml...
1.1.4. Hỗn dịch ( huyền dịch - suspensiones ).
Ví dụ hỗn dịch teldan ( terfenadin ), lọ 720 mg/120 ml.

1.2. Dạng thuốc rắn :
1.2.1. Thuốc bột ( pulveres ) :Ví dụ : đơn số 12, gói 100 g;
glucose, gói 100 g...
1.2.2. Thuốc nang ( capsule ) :
* Dựa theo bản chất vỏ nang, người ta phân biệt 2 loại :
+ Nang tinh bột ( viên nhện ) : điều chế bằng tinh bột. Ngày nay ít dùng do dễ hút ẩm, nang to khó nuốt, chứa được ít thuốc.
+ Nang gelatin : vỏ nang được điều chế bằng gelatin dược dụng. Tuỳ theo thể chất vỏ nang mà chia làm hai loại :
- Nang mềm : Ví dụ homtamin, pharmagel ...
- Nang cứng ( viên nhộng ) : Ví dụ nang doxycyclin …
1.2.3. Viên nén ( tablet ) :
+ Viên ngậm, viên đặt dưới lưỡi : viên nitroglycerin, viên bạc hà…
+ Viên pha thành dung dịch :
+ Viên sủi bọt : Ví dụ viên supradyn, berocca...
+ Viên pha thành hỗn dịch :
+ Viên nén phụ khoa : klion-D ( 100 mg metronidazol + 100 mg miconazol nitrat )
+ Viên tác dụng kéo dài ( ký hiệu LA, LP, SR, CR ) : profenid LP 200 mg, voltaren LP 100 mg...
* Để phát huy đầy đủ tác dụng của viên nén, nên uống thuốc cách xa bữa ăn ( khoảng 1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn, trừ những thuốc kích ứng dạ dày ) với một cốc nước ( khoảng 200 ml ). Đối với người có tuổi và trẻ em, nên dùng viên pha thành dung dịch, viên pha hỗn dịch, viên sủi bọt...
2- PHƯƠNG PHÁP KÊ ĐƠN CÁC DẠNG THUỐC TIÊM, THUỐC NHỎ MẮT, THUỐC DÙNG NGOÀI, THUỐC ĐẶT :
2.1. Thuốc tiêm :Ví dụ : spartein, morphin, gentamicin, terneurin H 5.000, tilcotil...
* Tuỳ theo liều dùng, chia 2 loại :
+ Loại được tiêm với liều lượng nhỏ ( 1 - 2 - 5 - 10 - 20 ml ) để điều trị hoặc chẩn đoán. Ví dụ : strychnin 1 mg, morphin 10 mg ...
+ Loại được tiêm với liều lượng lớn ( 500 - 1.000 - 2.000 ml ) để tái lập thăng bằng kiềm toan, thăng bằng điện giải hoặc để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Loại này còn gọi là dung dịch tiêm truyền.
Ví dụ : moriamin 500 ml,
dextrose 5 %/500 ml...
* Chú ý khi kê đơn :
● Ví dụ 1 :
Penicilin G 1.000.000 IU ´ 20 lọ.
Pha 1 lọ Penicilin với 5 ml nước cất, tiêm bắp thịt; ngày tiêm 2 lần, cách nhau 8 giờ. Trước khi tiêm lần đầu, thử phản ứng nội bì.
● Ví dụ 2 :
Chlorpromazin 25 mg ´ 05 ống.
Tiêm bắp thịt 01 ống/ngày.
Tiêm xong nằm tại giường 30 phút.
2.2. Thuốc dùng cho mắt  Gồm thuốc nhỏ mắtở dạng lỏng ( dung dịch, hỗn dịch ) dùng theo giọt và thuốc tra mắtở dạng mềm hay rắn ( thuốc bột, thuốc mỡ ).
* Ngoài dạng thuốc nhỏ mắt qui ước, ngày nay còn có các màng nhãn khoa, các hệ điều trị.
Vd : hệ ocusert chứa pilocarpin giải phóng đều đặn DC liên tục 7 ngày liền ( để điều trị Glaucoma ).
* Cách kê đơn :
Tobradex ´ 5 ml
Nhỏ vào mắt I giọt/lần, ngày 4 lần, cách nhau 4 - 6 giờ.
2.3. Thuốc dùng ngoài  Thuốc dùng ngoài gồm nhiều dạng thuốc khác nhau : thuốc bột, thuốc lỏng ( dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương ), thuốc mỡ, kem bôi da... Phần này chỉ trình bày thuốc mỡ.
Thuốc mỡ là dạng thuốc có thể chất mềm, dùng bôi lên da hay niêm mạc để bảo vệ da, chữa bệnh ngoài da hoặc đưa thuốc thấm qua da vào các cơ quan trong cơ thể.

* Cách kê đơn:
Profenid gel 2,5 %/60 g ´ 1 tub.
Thoa nhẹ 2 lần/ngày trên vùng da bị viêm.
* Ngoài dạng thuốc mỡ qui ước, ngày nay người ta còn dùng hệ điều trị qua da TTS ( transdermal therapeutic system ). Đây là dạng thuốc tác dụng kéo dài trong đó DC hoà tan trong một cốt polyme được giải phóng có kiểm soát qua một màng bán thấm.
Vd : TTS chứa nitroglycerin, giải phóng DC kéo dài 5 - 10 ngày. TTS thường được dán ở vùng da mỏng theo kiểu băng dính. Chú ý dặn bệnh nhân chỉ lột miếng thuốc khi thuốc đã hết tác dụng.
2.4. Thuốc đặt : * Thuốc đặt là những dạng thuốc có thể chất mềm hoặc cứng ở nhiệt độ thường, có hình dạng thích hợp để đặt vào các hốc tự nhiên của cơ thể ( hậu môn, âm đạo, niệu đạo, lỗ mũi, lỗ tai hoặc cái lỗ rò ... )
* Thuốc đặt thường sử dụng cho các bệnh nhân là trẻ nhỏ, người già, bệnh nhân hôn mê, nôn nhiều hoặc không thể uống được ...
* Phân loại :
+ Thuốc đạn ( để đặt trực tràng )
+ Thuốc trứng ( để đặt âm đạo ). Ngoài ra còn có dạng viên nén và nang mềm để đặt âm đạo.
+ Thuốc bút chì ( hình lõi bút chì một đầu vót nhọn ) dùng để đặt niệu đạo, tử cung, lỗ mũi , lỗ tai hoặc các lỗ rò của cơ thể.
* Để tránh phiền phức cho bệnh nhân, thuốc thường được đặt trước khi đi ngủ ( buổi trưa, buổi tối ), vì vậy khi kê đơn cần ghi rõ cách dùng. Ví dụ : kê đơn cho BN nhiễm Trichomonas vaginalis
Klion-D ´ 10 viên.
Buổi tối trước khi đi ngủ, đặt 1 viên đã thấm ướt vào âm đạo.
* Chú ý : - Phải điều trị cả 2 vợ chồng.
- Không uống rượu.
- Không giao hợp trong thời gian dùng thuốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét